Tầm Chân

Câu chuyện về linh vật Nghê tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Image Description 2

11 thế kỷ canh giữ không gian thiêng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nghê là linh vật đã tồn tại từ lâu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Ở mỗi địa phương và nơi chốn, linh vật Nghê sẽ có hình dáng cũng như ý nghĩa khác nhau.

Trước thời Nguyễn, Nghê thường chỉ chầu gần mặt đất, hoặc trong các chi tiết trang trí trên cổng, cửa, mái công trình. Đến thời Nguyễn, Nghê mới xuất hiện trên trụ biểu. Đây là cột mốc vai trò xét đoán, phân định ngay - gian của Nghê được đề cao.

Các nghiên cứu kết hợp giữa công nghệ và văn hóa truyền thống này sẽ trở được phát triển thành các sản phẩm “vật lý số”. Chúng sẽ được trao lại cho cộng đồng tiếp tục lan tỏa.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hình tượng Nghê đã xuất hiện ở nhiều không gian như: Tứ Trụ Quốc Tử Giám, Bia Tiến sĩ, Cổng Đại Thành, Trang phục của Khổng Tử và trên Bàn thờ.

Đạo nhược lộ nhiên, đắc kỳ môn nhi nhập

Đạo như đường vậy, tìm được cửa thì vào/ Đạo như con đường đi ấy nếu gặp được cửa tốt thì nên vào.

Muốn công thành danh toại phải tận lòng, tận sức, muốn theo đuổi sự học phải trải qua con đường dài khổ luyện. Những câu đối ca ngợi thánh hiền cũng như răn dạy được đắp nổi trên thân Tứ trụ (Nghi môn ngoại) từ thời xưa vẫn luôn là lời nhắc nhở tất cả các sĩ tử, những trí lực chuyên cần theo đuổi Nho học để trở thành người có ý nghĩa với xã hội, với đất nước.

Trụ cột trước cổng các công trình xưa được xây theo hình thái của một trụ lồng đèn. Dẫu qua thời gian, cùng với sự phát triển của công nghệ thắp sáng, phần “lồng đèn” hình lập phương giờ đã đặc lại thành một khối – không còn đưa ngọn đèn lửa vào trong – những những cột này vẫn là một biểu tượng của nguồn sáng, của sự soi rọi lối vào những không gian thiêng.

Đó cũng là lý do mà tượng Nghê trên cột trụ, với mắt tròn to soi xuống, là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của không gian Nho học này. Tại Văn Miếu Hà Nội, xảy ra một hiện tượng ít gặp: Nghê được xếp cao hơn Phượng. Phượng đại diện cho sự bay bổng, cho sự hoa mỹ, và thường đặt ở hai cột giữa (cột cao hơn), nhưng ở Văn Miếu, hai cột Phượng nằm phía ngoài.

Image Description 2
Image Description 2

Nghê - Biểu tượng cho trí tuệ và sự minh bạch

Nghê Văn Miếu đứng trên trụ đèn, trở thành linh vật của nguồn sáng. Dù ở tư thế chầu hai bên cổng, hay tư thế trên trụ đèn, Nghê vốn đã là linh vật có khả năng xét đoán, phân biệt ngay-gian. Ở đây, khi đứng cao nhìn xuống, Nghê thành biểu tượng của nguồn sáng trí tuệ và sự minh bạch.

Sự gian trá trong khoa cử, hay qua đó là việc đề cao liêm chính học thuật, đã luôn là một phần của lịch sử. Từ thời Hậu Lê – khi hoạt động thi cử tại Văn Miếu được tiến hành đều đặn và quy củ (và cũng là giai đoạn dựng lên hệ thống bia tiến sĩ tại Văn Miếu chúng ta thấy ngày nay) cũng là lúc những đại án khoa cử bắt đầu được ghi nhận. Những vụ thí sinh đánh tráo bài thi, tuồn quyển từ bên ngoài vào trường; quan đại thần chạy điểm cho con; những giám khảo ăn đút lót, hãm hại hiền tài để nâng đỡ kẻ cơ hội.

Việc đặt đôi Nghê ở giữa, cao hơn, ngay cổng chính nơi các bậc danh sĩ phải bước qua, dường như là một sự khẳng định tuyệt đối cho tính tôn nghiêm của không gian này. Đó là nơi sự liêm chính học thuật là giá trị cao nhất.

Quyền năng của Nghê song hành cùng những con người tin vào thực lực

Nghê ở Văn Miếu, như thế, trở thành biểu trưng cho một xã hội luôn đề cao sự chính trực. Hình ảnh đôi nghê ngự trên cột đèn, phản ánh một khao khát xuyên suốt lịch sử dân tộc, về sự công bằng, về sự tôn vinh thực học, tìm kiếm những bậc hiền tài là “nguyên khí quốc gia”.

Tinh thần của nghê ở Văn Miếu, vì thế vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay, với quốc gia, hay với từng con người và tổ chức. Vẫn là linh vật của cõi thiêng với những quyền năng siêu hình, phù trợ cho con người, nhưng nghê không “cầu tài, cầu lộc” vô nguyên cớ: quyền năng của Nghê song hành cùng những con người tin vào thực lực.

Image Description 2